Ngọc Đế | Người nắm quyền Thiên Đình trong Sư Huynh Ơi

Ngọc Đế | Người nắm quyền Thiên Đình trong Sư Huynh Ơi

Ngọc Đế (玉帝 – Yu Di) là nhân vật xuất hiện trong tiểu thuyết mạng “Ta Sư Huynh Thật Sự Quá Vững Vàng” của tác giả Ngôn Quy Chính Truyện và phim hoạt hình chuyển thể “Sư Huynh À Sư Huynh”.

Đồng tử của Đạo Tổ, người nắm quyền Thiên Đình. Có nhiều hóa thân, thích vi hành. Thực lực mạnh mẽ, cũng rất có trách nhiệm và đảm đương, rất tin tưởng Lý Trường Thọ. Cuối câu chuyện kiên quyết gia nhập phe Trường Thọ phản Thiên.

Ngoài ra, Ngọc Hoàng Đại Đế (玉皇大帝) trong thần thoại dân gian Trung Hoa có tước hiệu đầy đủ của Ngọc Hoàng Đại Đế là: “Thái Thượng Khai Thiên Chấp Phù Ngự Lịch Hàm Chân Thể Đạo Kim Khuyết Vân Cung Cửu Khung Ngự Lịch Vạn Đạo Vô Vi Đại Đạo Minh Điện Hạo Thiên Kim Khuyết Chí Tôn Ngọc Hoàng Xá Tội Đại Thiên Tôn Huyền Khung Cao Thượng Đế”, ngự tại Thái Vi Ngọc Thanh Cung.

Ngọc Hoàng Đại Đế có ảnh hưởng rất lớn trong dân gian Trung Quốc, người dân coi ông là “Hoàng đế” trên trời, người thống trị tối cao của thế giới vạn thần.

Phim không đề cập chi tiết về nguồn gốc lịch sử của Ngọc Đế nên trong phạm vi bài viết này, sẽ lược dịch lại các tài liệu về Ngọc Hoàng Đại Đế trong thần thoại dân gian Trung Hoa.

Tổng quan về Ngọc Đế

Tên tiếng Việt Ngọc Đế
Tên tiếng Trung 玉帝 – Yu Di
Tên khác Ngọc Hoàng Đại Đế (玉皇大帝)
Xuất xứ Thần thoại dân gian, thần thoại Đạo giáo
Tác phẩm xuất hiện Ta Sư Huynh Thật Sự Quá Vững Vàng, Sư Huynh A Sư Huynh
Nơi ở Thái Vi Ngọc Thanh Cung
Ngày sinh Mùng 9 tháng Giêng
Địa vị Người thống trị tối cao của thế giới vạn thần

Nguồn gốc tước hiệu

Theo “Ngọc Đế Thánh Hiệu Đồng Dị Khảo”: “Thánh hiệu của Ngọc Đế, được tôn sùng từ trước thời Hạo Kiếp, đến thời Trung Cổ lại được tôn kính, chỉ là xưng tụng thêm.

Các bậc đế vương yêu thích Đạo giáo, cảm nhận được ân huệ huyền diệu, dựa vào những gì mình thấy nghe, những gì mình quy y, tùy theo sự hiển lộ, kính cẩn xưng tụng các vị thần, để xác định danh xưng.

Có bốn Ngọc Đế:

  1. Thứ nhất là Thái Vi Ngọc Đế, Hán Vũ Đế tôn xưng sao chủ của Thái Vi Viên;
  2. thứ hai là Phạm Thiên Ngọc Đế, Hán Tuyên Đế tôn xưng sao chủ của Thiên Thị Viên;
  3. thứ ba là Diệm Hoa Thiểu Vi Ngọc Đế, Hán Ai Đế tôn xưng Tiên Thiên Định Vị;
  4. thứ tư là Tử Vi Ngọc Đế, Hán Quang Vũ Đế tôn xưng Hậu Khôn. Đều không phải Ngọc Đế này.

Ngọc Đế này hiệu là Hạo Thiên Kim Quế Vô Thượng Chí Tôn Tự Nhiên Diệu Hữu Di La Chí Chân Ngọc Hoàng Thượng Đế, lại gọi là Huyền Khung Cao Thượng Ngọc Hoàng Đại Đế, là Đế tể trị chư thiên, vĩnh viễn bất diệt.”

Sự hình thành tín ngưỡng

Tôn giáo cổ đại Trung Quốc có thuyết về vị thần tối cao “Đế” và “Thượng Đế” chi phối sự thay đổi của tự nhiên như nhật, nguyệt, phong, vũ và họa phúc, sinh tử, thọ thiên cát hung của con người.

Từ thời Tây Chu trở đi lại gọi là “Hoàng Thiên”, “Hạo Thiên”, “Thiên Đế”.

Trong “Chân Linh Vị Nghiệp Đồ” của Đào Hoằng Cảnh thời Nam Bắc triều đã có danh xưng “Ngọc Hoàng Đạo Quân”, “Cao Thượng Ngọc Đế”, xếp ở vị trí thứ mười một và mười chín bên phải Ngọc Thanh Tam Nguyên Cung.

Thời Tùy Đường, tín ngưỡng “Ngọc Hoàng” phổ biến rộng rãi, trong bài thơ “Mộng Tiên” của nhà thơ nổi tiếng đời Đường Bạch Cư Dị có câu thơ “Ngưỡng yết Ngọc Hoàng đế, khấu thủ tiền chí thành”, trong bài thơ “Dĩ Châu Trạch Khoa Lạc Thiên” của nhà thơ Nguyên Chẩn cũng có câu “Ngã thị Ngọc Hoàng hương án lại”.

Đại khái vào khoảng thời Đường Tống, kinh đạo quan trọng “Cao Thượng Ngọc Hoàng Bản Hành Tập Kinh” được viết ra, kể chi tiết về xuất thân và lai lịch của Ngọc Hoàng: Rất lâu về trước, có một nước Quang Nghiêm Diệu Lạc, quốc vương Tịnh Đức và hoàng hậu Bảo Nguyệt Quang tuổi già không con, bèn lệnh cho đạo sĩ cầu nguyện, sau đó hoàng hậu nằm mơ thấy Thái Thượng Đạo Quân bế một đứa trẻ ban cho mình, tỉnh dậy thì có thai.

Mang thai một năm, sinh hạ vào giờ Ngọ ngày mùng 9 tháng Giêng năm Bính Ngọ tại vương cung.

Thái tử trưởng thành kế vị ngai vàng, không lâu sau từ bỏ ngôi vua đến núi Phổ Minh Hương Nghiêm tu đạo, công thành viên mãn.

Trải qua ba nghìn kiếp mới chứng được Kim Tiên.

Lại trải qua ức kiếp, mới chứng được Ngọc Đế.

Năm Đại Trung Tường Phù thứ tám (1015) đời Tống Chân Tông, tôn thánh hiệu Ngọc Hoàng Thượng Đế là “Thái Thượng Khai Thiên Chấp Phù Ngự Lịch Hàm Chân Thể Đạo Ngọc Hoàng Đại Thiên Đế”.

Năm Chính Hòa thứ sáu (1116) đời Tống Huy Tông, lại tôn tôn hiệu Ngọc Hoàng là “Thái Thượng Khai Thiên Chấp Phù Ngự Lịch Hàm Chân Thể Đạo Hạo Thiên Ngọc Hoàng Thượng Đế”.

Nội dung chính của tín ngưỡng

Đạo giáo cho rằng Ngọc Hoàng là vua của chư thần, có địa vị cực cao trong hệ thống thần linh của Đạo giáo.

Trong kinh Đạo gọi ông là ngự tại Hạo Thiên Kim Quế Di La Thiên Cung, dung mạo trang nghiêm, pháp thân vô thượng, thống lĩnh chư thiên, tổng lĩnh vạn thánh, chúa tể vũ trụ, khai hóa vạn thiên, hành đạo trời, ban đức trời, tạo hóa vạn vật, tế độ chúng sinh, quyền hành tam giới, thống lĩnh vạn linh, vô lượng độ nhân, là vị thần chí tôn của thiên giới, vạn thiên đế vương.

Nói một cách ngắn gọn, Đạo giáo cho rằng: Ngọc Hoàng tổng quản tam giới (trời, đất, không gian), thập phương (bốn phương, bốn chiều, trên dưới), tứ sinh (thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh), lục đạo (trời, người, ma, địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ) tất cả họa phúc âm dương.

Hàng năm vào ngày 25 tháng Chạp, Ngọc Hoàng giáng trần, đích thân tuần tra xem xét tình hình các phương.

Dựa vào thiện ác tốt xấu của chúng sinh để thưởng thiện phạt ác.

Ngày này dân gian thường lập bàn thờ bày đồ cúng đón Ngọc Đế.

Hoạt động này, cũng có nơi gọi là “Trai Thiên”.

Mùng 9 tháng Giêng là ngày sinh của Ngọc Hoàng, tục gọi là “Ngọc Hoàng Hội”, tương truyền các vị thần tiên trên trời dưới đất đều long trọng chúc mừng vào ngày này.

Ngọc Hoàng vào buổi chiều ngày sinh của mình hồi loan trở về thiên cung, lúc này các cung quán Đạo giáo đều tổ chức nghi lễ chúc mừng long trọng.

Ảnh về Ngọc Hoàng Đại Đế

Trên đây là những thông tin chi tiết về “Ngọc Đế | Người nắm quyền Thiên Đình trong Sư Huynh Ơi“, trong thu mục “Nhân Vật“. Hãy theo dõi Thư Viện Anime để đọc thêm nhiều thông tin phim truyện hấp dẫn trong thời gian tới nhé!

Nguồn tham khảo:

  • 玉帝 – Baike.Baidu.com, , 02/03/2025.
  • 玉皇大帝 – Baike.Baidu.com, , 02/03/2025.

Bài mình dịch tốn cơm mẹ nấu lắm ak T^T